Pages

Thursday, July 10, 2014

10/7/2014

Gửi bố và mẹ,

Con viết thư chung gửi lại cho bố mẹ chắc bố mẹ không phiền đâu nhỉ?

Con có thể dùng 3G nhưng nhanh hết tiền dt. Internet có lẽ cuối tuần con vào cafe ở cách đây 40' thì sẽ ok. Bố mẹ thông cảm nhé, gửi hình thì phải chờ đến lúc đấy. Tối về con có thời gian ngồi viết mail cho bố mẹ nhưng mà toàn thấy mất cả tiếng mới viết xong nè. Con sẽ cố trả lời hết câu hỏi của bố mẹ.

Con biết bố mẹ lo lắng nên con sẽ kể kỹ càng hơn về công việc ở đây.

ReefDoctor có một số nghiên cứu đang được tiến hành. Chung chung thì tất cả đều nhắm tới bảo tồn môi trường biển của vùng biển trong mũi Ranobe phía Nam Bắc của Madagascar. Trong số đó gồm có khảo sát sinh vật của khu bảo tồn san hô Rose Garden và Gg.
Vì chưa có bài nghiên cứu nào xuất bản nói về phương pháp trồng lại san hô mà chỉ có những nơi trồng nhờ đầu tư riêng (thường do khách sạn cho khách du lịch) nên ở đây, cô Emma muốn tìm hiểu cách trồng thành công nhất để xuất bản giúp mọi người trồng lại san hô.

San hô là sinh vật biển không phải cây cỏ như nhiều người nghĩ. Sự phát triển của san hô rất dễ bị thay đổi - nhiệt độ tăng lên của nước biển, ánh nắng, lượng muối v.v

Con đã đi lặn ở VN nhiều lần và điều con nhận thấy rõ nhất là tác hại của con người lên đã phá hủy khá nhiều tảng san hô đã một lần tràn đầy sức sống. Nha Trang thu hút rất nhiều khách đi lặn và sai lầm lớn nhất là sự kém hiểu biết của thợ lặn Việt Nam. Lần đầu con đi lặn, con học từ công ty Vinadive, đã phát hiện các thợ lặn Việt không những sờ vào San hô mà còn bắt các con vật về để bán. Nhìn đơn sơ thì họ chỉ bắt vài con, cần tiền để sống nhưng mà những hành động tưởng chừng vô hại đó lấy mất đi sự cân bằng của môi trường sinh thái san hô. Ai đã từng học lặn đều biết, khi lặn không được làm ảnh hưởng đến sinh vật biển, không sờ đến chúng hay nhặt lấy bất cứ một vật nào. Đó là điều căn bản nhất của người lặn - vừa bảo vệ mình vừa bảo vệ hệ sinh thái. Vấn đề thật sự không phải về một hai thợ lặn hay ngư dân mà là về số lượng người đánh bắt.

Nước Việt Nam mình vẫn chưa có tổ chức nào đứng ra tìm hiểu và bảo tồn vùng biển. Đương nhiên là có những giáo sư tiến sĩ vẫn đang cố gắng nhưng có lẽ như thế vẫn chưa đủ. Phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo tất nhiên là quan trọng. Nhưng giả dụ như cái lưới đánh cả chẳng hạn, nhiều người dân đánh cá bằng lưới muỗi thay bằng lưới lỗ to để bắt được nhiều hơn. Họ không biết rằng như thế họ cũng bắt đi những loài ký sinh vật của biển mà cá dựa vào để ăn. Càng ngày cá sẽ càng ít đi. Hơn nữa các chất hóa học và rác đổ vào biển không xử lý có hại nghiêm trọng đến sinh thái biển và sức khỏe con người. Người dân sống ở vùng biển dựa vào biển, đánh bắt cá để kiếm sống nhưng quá lạm dụng biển, bắt quá nhiều một loài sẽ phá hủy nguồn thu nhập sau này. Cách duy nhất là tìm được nhiều nguồn thu nhập khác nhau, thay đổi theo mùa để các loại vật biển có cơ hội phát triển trở lại.

Phát triển ngành du lịch cũng thế. Số lượng người quá tải sẽ làm hỏng đi vẻ đẹp đó. Nếu Phú Quốc như mẹ nói cũng biến thành Nha Trang thì quả thật là đáng tiếc. Con tất nhiên là muốn được nhìn thấy vẻ đẹp đó nhưng nếu việc con làm góp phần phá hủy nó thì thôi con thà tránh xa. Chắc chắn Phú Quốc sẽ phát triển, nhiều nhất về ngành du lịch nhưng có lẽ nên tìm cách làm điều này mà không phá hủy vẻ đẹp căn bản đó.

Nói thì dễ làm mới khó.  Đây là suy nghĩ của con thôi. Chính con cũng thấy điều này rất khó thực hiện được. Có lẽ giới trẻ tụi con có thể hiểu hơn về vấn đề này và cùng nhau làm nên sự thay đổi.

Cùng lúc nói về việc đi lặn, con cũng nói rõ hơn nhé. Đi lặn ở đây là để làm việc. Mỗi lần lặn đều có một mục đích giả sử như lặn để làm sạch san hô non v.v Tất cả mọi nguời đều có trách nhiệm với dụng cụ lặn và kiểm tra bính khí của mình nhưng trước khi đi xuống người đi cùng sẽ kiểm tra nhau. Lặn từ thuyền nên mọi người đều phải tự đeo bình lên thuyền đi đến điểm lặn. Người lái thuyền là dân địa phương nên biết rất rõ vùng này. Để trả lời câu hỏi của bố. Không bao giờ được đi lặn một mình, luôn có người bạn đi cùng đề phòng trường hợp có vấn đề. Ở đây không sâu hơn 30m nên không dùng dây, xác định vị trí nhờ compa.  Hiện tại con đi lặn với nhóm người là sinh viên thực tập làm ở đây hơn 5 tháng rồi nên rất rành. Kế hoạch lặn đều dựa trên thời tiết, sóng và thủy triều. Nếu thời tiết xấu sẽ hủy bỏ lần lặn ở lại trại và dù có lên kế hoạch, nếu không muốn lặn sẽ không bắt buộc.

Con rất vui vì Taichi chăm chỉ và tự giác đòi đi học. Rèn luyện thể thao se giúp ích cho việc học vì nó sẽ giúp em tập trung hơn và có cái gì đó để khoe bạn bè.

Con tất nhiên sẽ nhận lấy lời khuyên của bố mẹ. Bố mẹ cũng giữ gìn sức khỏe nhé!

No comments:

Post a Comment

Where life has taken me