Pages

Sunday, July 20, 2014

20/7/2014 Chuồng sâu biển - Sea Cucumber fence

Gửi bố mẹ,

Lại thêm một tuần nữa, con bắt đầu thích nghi hơn với cuộc sống ở đây mặc dù vẫn chưa nói được nhiều tiếng Malagasy.

Hôm thứ 5, con đi giúp xây dựng một trại nuôi sâu biển ở cách làng  Ifaty khoảng 40' đi bộ. Đây là một trong những kế hoạch giúp cho ngư dân ở vùng này kiếm sống. Sâu biển là một động vật có thể tả giống như cái "máy hút bụi" của biển vậy. Chúng lọc sạch đáy biển, tái chế chất thải cho những sinh vật khác sinh sống, rất quan trọng trong hệ sinh thái của san hô.

Vì chưa bao giờ nhìn thấy cách làm trại nuôi sâu biển nên con đi theo và hỏi Jivan nhiều thứ. Jivan là sinh viên bản địa, đang học ở Đại học Tulear. Người Malagasy không ăn sâu biển nhưng họ bắt về đem bán cho các công ty xuất khẩu đến các nước Đông nam á, nhiều nhất là Trung Quốc và Đài Loan.
Vì bắt quá nhiều nên số lượng sâu biển của cả vùng đã giảm đi rất nhiều. REEFDOCTOR muốn thử giúp nuôi lại sâu biển.

Làng Ifaty chỗ con ở không thể làm trại nuôi được vì hôm trước con đi ra giúp thì các anh phát hiện ra ở đây có hơn 80% rong biển, không phù hợp cho sâu biển sinh sống. Sau đó hai ngày, quyết định mới sẽ làm ở làng kế bên, làng Abolombo cách Ifaty 40 phút đi bộ.

Theo thông lệ ở đây thì mọi việc đều phải thông báo và được sử chấp thuận của Trưởng làng. Từ sáng sớm Jivan đã phải đi gặp trưởng làng để xin phép. Đến trưa thì tụi con bắt đầu lên đường, đi qua một cánh rừng khô và dọc ven biển của Ifaty. Quan trọng là phải làm kịp trong lúc thủy triều thấp.

Đến nơi, tụi con vào nhà của trưởng làng xin phép gửi ba lô và giày dép rồi thẳng ra biển. Thủy triều xuống là lúc mà dân làng ra biển nhặt ốc sò, nếu may mắn thì bắt được cả cá hoặc mực về để ăn. Thường thì phụ nữ và trẻ em làm công việc này. Họ cầm theo những cái xô và những cái cây đã vuốt nhọn để nhặt những gì bị vướng lại khi thủy triều rút. Đối với mấy đứa nhỏ, bãi biển giống như một sân chơi vậy. Tụi con đi theo Jivan và một người dân địa phương để tìm miếng đất phù hợp cho sâu biển.

Bãi biển của vùng này phần lớn là bùn trộn với cát nên có chỗ nước thấp, có chỗ nước cao. Khi đi ra thì có khi nước lên qua đầu gối, có chỗ chân lún hẳn vào bùn và có chỗ thì nước chỉ lên đến đầu gối mà thôi. Sau khi Jivan quyết định chỗ làm thì mọi người bắt đầu đo chiều dài, đóng cọc và đào đất.

Cọc đóng thành một hình 6m2. Phải đào đất xung quanh miếng đất vì lưới bọc xung quanh cần phải đặt sâu xuống. Sâu biển ban ngày đào xuống lòng đất, ban đêm mới đi lên. Mất cả tiếng đồng hồ do đất bùn đào xong lại bị nước biển đẩy lại, nhưng mọi người chung sức cố gắng nen cuối cùng cũng làm xong.

Trong lúc làm có mấy đứa bé tò mò đến xem, nói gì đó con không hiểu lắm. Mẹ chúng bắt được một con cá tích điện thế là mấy đứa nhóc chọc một cái cây vào con cá, treo lủng lẳng và nghịch với nó, cười sặc sụa.

Sau một tiếng đồng hồ, cái chuồng sâu biển đã hoàn thành chỉ chờ thứ 7 cô Emma sẽ mua sâu biển thả vào. Thủy triều bắt đầu kéo lên lại, trong phút chốc đã ngộp lấy thành quả của tụi con. Mọi người bắt đầu lội nước trở lại bờ. Con đi theo Jivan và vì thế hỏi được thêm vài thứ. Dân địa phương không ăn sâu biển mà chỉ bắt về cho công ty xuất khẩu của Đài Loan/TQ. Số lượng sâu biển ở đây đã hoàn toàn bị cạn kiệt vì thế chuồng trồng sâu biển thử nghiệm ở đây có lẽ sẽ không bị ảnh hưởng.

Cuối tuần này con cùng các bạn đi đến rừng quốc gia Zombitse. Về con sẽ kể chuyện tiếp nhé!

Nhớ viết mail cho con nhé!

No comments:

Post a Comment

Where life has taken me